viết nhật ký

Hình Thành Và Duy Trì Thói Quen Viết Nhật Ký Cho Bản Thân

Khi thực hiện tư vấn 1:1, tôi nhận được chia sẻ của mọi người về những nỗi sợ hãi hay băn khoăn khi bắt đầu viết. Lúc đó, có một điều tôi luôn hỏi tất cả mọi người là: “Vậy các bạn có viết hàng ngày không?”. Rất ít người nói có.

Tôi nghĩ rằng nếu muốn trở thành một người viết tốt, bạn nên bắt đầu thói quen viết hàng ngày. Trong đó, viết nhật ký là một trong những cách thú vị, hiệu quả mang lại nhiều lợi ích bạn có thể thử. 

Viết như đang trò chuyện với chính mình. Khi viết, bạn được thoải mái thể hiện tất cả cảm xúc suy nghĩ của mình. Khoảnh khắc bạn ngồi xuống và viết ra những điều thầm kín không thể chia sẻ với ai khác, nỗi niềm của bạn sẽ vơi đi ít nhiều. Cứ như vậy, viết nhật ký có thể là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn. Từ đây, kỹ năng viết của bạn có thể được cải thiện. 

Dù khá dễ thực hiện, có thể bạn vẫn cần vài mẹo nhỏ để bắt đầu gắn bó với thói quen viết nhật ký. Hãy tìm kiếm những gợi ý phù hợp nhất để áp dụng vào cuộc sống của mình trong bài viết này nhé.

Mẹo nhỏ giúp bạn bắt đầu thói quen viết nhật ký

Sử dụng phương pháp W.R.I.T.E

Tôi đọc được về phương pháp này trên một trang web dạy viết trị liệu. Chỉ bằng năm bước đơn giản, cực dễ nhớ, bạn có thể bắt đầu viết nhật ký mà không phải băn khoăn vì mình chẳng có gì để viết và không biết viết về điều gì.

W – What. Hỏi bản thân những câu hỏi đơn giản bắt đầu bằng What. Ví dụ như: Chuyện gì đang diễn ra? (Giống như kiểu câu hỏi gợi ý của Facebook ở nơi bạn cập nhật trạng thái mới nhất) Bạn đang nghĩ về điều gì? Bạn muốn điều gì?…

R – Reflect. Nhắm mắt lại. Hít thật sâu và thở ra nhẹ nhàng. Tập trung hồi tưởng lại những sự việc đã qua. Cảm xúc của bạn như thế nào? Bạn có thể bắt đầu bằng “Tôi thấy…”, “Tôi muốn…”,  “Tôi nghĩ…”, “Hôm nay tôi đã…”, vân vân.

I – Investigate. Đừng chỉ dừng lại ở đó mà hãy đào sâu thêm vào cảm xúc của mình. Tôi thường sử dụng “The Five Whys” để viết. Ví dụ: Bạn viết là mình thấy vui và hạnh phúc. Bạn có thể tự hỏi tiếp trong đầu là “Vì sao mình lại thấy như vậy?”. “Bởi vì mình vừa giành được một phần thưởng lớn”. “Vì sao giành được phần thưởng lớn bạn lại vui, phần thưởng này có ý nghĩa gì đối với cuộc đời bạn?”….

Cứ tiếp tục như vậy, bạn sẽ viết ra được rất nhiều điều thú vị. Mỗi khi bạn thấy khó khăn để tiếp tục, hãy lặp lại quá trình Reflect. Nhắm mắt lại, hít thở sâu, tưởng tượng và viết. Hoặc đọc lại những gì mình vừa viết để có thể viết tiếp.

T – Time. Đo lường thời gian bạn viết. Ghi lại thời gian bạn bắt đầu và kết thúc để biết được mình đã viết được những gì trong khoảng thời gian bao nhiêu lâu. Những số liệu này bạn có thể sử dụng trong công việc viết lách trong tương lai.

E – Exit. Kết thúc thông minh bằng cách đọc lại những gì mình viết và gói ghém chúng lại bằng một hoặc hai câu ngắn gọn, súc tích. “Khi đọc những dòng này, tôi cảm thấy…” hoặc “Tôi nhận ra…” Nếu có những hành động nào cần thực hiện, bạn hãy ghi lại và lên kế hoạch để thực hiện chúng trong ngày.

Vậy thôi. Khá đơn giản và dễ nhớ. Mỗi khi viết, bạn chỉ cần W.R.I.T.E thôi nhé!

Viết với những gì bạn thấy thoải mái nhất

Liệu bạn có nghĩ rằng viết nhật ký là cần phải có một cuốn sổ và một cây bút? Không nhất thiết phải như vậy. Nếu bạn là người yêu công nghệ và thấy phiền hà vì lúc nào cũng phải đem theo sổ và bút, bạn có thể viết ở bất kỳ đâu bạn thấy thoải mái. Có thể là ở ngay trên chiếc điện thoại hay laptop của mình.

Một vài ứng dụng – app viết nhật ký dành cho bạn

Prompted Journal

Happyfeed

Day One 

Daylio

Bắt đầu nhỏ và đặt một mục tiêu hợp lý 

Không phải cứ viết vài trang dài dằng dặc mới là nhật ký. Bạn luôn có thể bắt đầu bằng việc viết một câu hoặc nhiều hơn nữa là một đoạn hay một trang. Đó có thể một điều biết ơn trước khi đi ngủ, một đoạn tả lại sự việc hay một trang kể về một khoảnh khắc ấn tượng trong ngày. 

Điều quan trọng là bạn viết nhật ký đều đặn mỗi ngày. Thử bắt đầu bằng hai phút và một câu mỗi ngày trong vòng một tuần. Sau đó có thể là năm phút với một trang. Cứ như thế, dần dần viết nhật ký sẽ trở thành một thói quen tự động như việc đánh răng mỗi sáng và tối.

Thêm vào danh sách việc phải làm

Nếu viết nhật ký không phải là một trong những việc cần làm trong ngày, bạn sẽ dễ dàng trì hoãn và tặc lưỡi bỏ qua. Nhất là trong những ngày bạn có nhiều việc cần phải xử lý hoặc tâm trạng không được tốt, mọi việc bạn muốn làm chính là không làm gì hết. 

Vậy nên, hãy cho mình một lý do để bắt đầu bằng cách thêm nó vào danh sách việc phải làm và sắp xếp một thời gian cố định, phù hợp trong ngày để thực hiện. Một khi đã bắt đầu, tôi tin bạn sẽ tiếp tục viết mà không bỏ cuộc.

Theo dõi thói quen viết

Bạn có thể lập bảng theo dõi để theo dõi tần suất thực hiện thói quen của bản thân. Việc này sẽ tạo cho bạn động lực duy trì những thói quen có ích. Nếu như trong 30 ngày, ngày nào bạn cũng thực hành đều đặn, không bỏ một buổi nào, bạn có thể thưởng cho mình một phần quà mà bạn yêu thích. 

Có một danh sách gợi ý có sẵn để viết

Giữ một danh sách các gợi ý để viết sẽ giúp bạn dễ dàng hơn để bắt đầu trong những ngày bí ý tưởng. Một cách đơn giản để bạn có thể tìm thấy những gợi ý viết thú vị đó là Pinterest. Bạn có thể tạo cho mình một chiếc bảng với tên “Journal Prompt” và “pin” tất cả những ý tưởng thú vị mà bạn có thể tìm thấy vào đây. Như vậy, mỗi khi cạn kiệt ý tưởng, bạn có thể chọn ra một điều yêu thích để bắt đầu ngay.

Hãy để viết nhật ký là niềm vui

Viết nhật ký nên là một niềm vui nho nhỏ bạn ưu ái cho bản thân chứ không nên là điều gì đó mang tính ép buộc. Nếu bạn không thích, bạn có thể dừng lại bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, trước khi dừng lại, hãy đảm bảo rằng mình đã thử và cố gắng duy trì trong một thời gian đủ dài. 

Ngoài ra, bạn có thể biến việc viết nhật ký thành một buổi spa cho tinh thần bằng cách pha cho mình một tách trà thảo mộc, bật một bản nhạc nhẹ du dương (với tôi là những bản piano), ngồi trên một chiếc ghế êm ái, ngắm chậu cây phía trước mặt và bắt đầu viết. Tôi nghĩ bạn sẽ thấy thư thái và an yên khi có những phút giây bình dị như thế này sau một ngày dài căng thẳng. Viết nhật ký lúc này giống như một thú vui tao nhã, một cách loại bỏ stress hiệu quả mà ai cũng muốn tìm về.

Một vài phương pháp viết nhật ký hiệu quả

1. Viết tự do

Viết tự do, đúng như cái tên của nó, là viết mọi thứ mà bạn muốn. Hãy để những suy nghĩ tuôn trào và đơn giản là viết ra mọi thứ bạn đang nghĩ đến. Đừng dừng lại để chỉnh sửa. Đừng câu nệ những dấu chấm câu, chữ viết hoa hay lỗi chính tả. Vì có thể nếu bạn không đủ nhanh, bạn sẽ không theo kịp dòng chảy suy nghĩ và mất cảm hứng viết.

VIết tự do là một cách giúp bạn hiểu về bản thân. Giống như khi bạn hiện diện trước mặt người yêu thương với vẻ mặt mộc chưa trang điểm, với những gì chân thật nhất của bản thân. Đây là cách dễ dàng nhất để bạn bắt đầu viết.

Bạn có thể sử dụng The Most Dangerous Writing App để viết tự do mỗi ngày.

2. Trang viết buổi sáng

Rất nhiều người có thói quen viết vào buổi sáng vì đây thường là thời điểm bạn có mức năng lượng cao nhất. Trang viết buổi sáng được biết đến sau khi Julie Cameron giới thiệu trong cuốn sách The Artist’s Way năm 1992. Ý nghĩa ban đầu của nó là giúp mọi người vượt qua “writer block” – tình trạng bí ý tưởng khi viết. Sau đó, dường như những trang viết này mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt với những người làm công việc sáng tạo, vậy nên nó ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một trong những nghi thức buổi sáng mà bạn nên có. Những thói quen buổi sáng lành mạnh như thế này sẽ giúp bạn một ngày làm việc hiệu quả và năng suất hơn. 

3. Viết dưới dạng liệt kê

Liệt kê là cũng một cách để bạn bắt đầu một trang viết. Ngoài ra, đây chính là nguồn tài liệu tham khảo tuyệt vời dành cho bạn. 

Một vài ý tưởng về viết dưới dạng liệt kê

  • Danh sách những cuốn sách bạn đã đọc, đang đọc và muốn đọc. 
  • Danh sách những bộ phim bạn đang xem và muốn xem
  • Danh sách những món ăn yêu thích của bạn kèm theo địa điểm
  • Danh sách những món đồ mà bạn muốn mua 
  • Danh sách những điều khiến bạn cảm thấy vui vẻ
  • Danh sách những địa điểm mà bạn muốn ghé thăm 
  • Danh sách những điều bạn muốn làm trước khi chết
  • Danh sách những ý tưởng của bạn

4. Viết dưới dạng hình ảnh

Nếu bạn là người thích thể hiện ý tưởng thông qua hình ảnh mà không phải con chữ, bạn có thể lựa chọn viết nhật ký bằng hình ảnh. Có thể là những nét vẽ đơn giản, đáng yêu phác họa sự kiện hoặc suy nghĩ trong ngày. Cũng có thể là những khoảnh khắc ý nghĩa mà bạn chụp lại được. Bạn cũng có thể thử doodle – những nét vẽ nguệch ngoạc khi lơ đãng. Dù ý tưởng có là gì thì cũng thật là thú vị nếu bạn có một cuốn nhật ký bằng hình ảnh. 

5. Viết dưới dạng những lá thư

Bức thư chính là nơi bạn gói ghém những cảm xúc của mình một cách hoàn hảo nhất. Vậy nên, bạn có thể lựa chọn cách thức này để viết nhật ký. Ý tưởng có thể là viết những lá thư cho chính bản thân mình của quá khứ hay tương lai. Tuyệt hơn nữa là hẹn một ngày trong tương lai để bạn có thể nhận được bức thư này. 

Tôi đã từng nhận được nhiều thư tay. Chưa bao giờ tôi quên được cảm xúc khi được nhận một lá thư từ người khác và mở nó ra để đọc. Bởi vậy, nếu có những tâm sự thầm kín muốn gửi đến người khác, bạn cũng có thể viết một lá thư. Gửi hay không gửi tùy bạn nhưng chắc chắn bạn sẽ giải tỏa được cảm xúc của mình và thấy nhẹ nhàng hơn. Người nhận chắc chắn cũng trân trọng những gì bạn viết và có thể hiểu bạn thêm phần nào.

6. Viết về những ước mơ

Viết về những điều bạn mơ ước và làm thế nào để có thể đạt được những ước mơ đó, là một cách tuyệt vời để tạo ảnh hưởng tích cực lên cuộc sống của bạn. Dù cho ước mơ của bạn là gì, có điên rồ đến mức nào, thì đó đều là những điều đáng trân trọng. Nếu như bạn còn viết sẵn một kế hoạch khả thi, tôi tin là ngày bạn chạm tay vào giấc mơ của mình sẽ không còn xa nữa.

7. Bullet Journal 

Ryder Carroll là người đã tạo ra bullet journal phiên bản đầu tiên. Kể từ đó, phương pháp này trở nên nổi tiếng, được nhiều người sử dụng và tùy biến theo ý thích. Điểm đặc biệt của bullet journal đó là nó giống như một thư viện – nơi bạn có thể tìm thấy tất cả mọi thứ bạn muốn. 

Bạn có thể ghi lại những ý tưởng sáng tạo, danh sách việc làm, lịch hẹn công việc hay kể cả những dòng biết ơn mỗi ngày. Dù đã có rất nhiều những gợi ý tùy biến, nhưng với tôi, phương pháp hiệu quả nhất vẫn là phương pháp đơn giản nhất – phiên bản gốc của Ryder Carroll.

8. Viết dưới dạng lên kế hoạch

Bạn có thể sử dụng nhật ký để lên kế hoạch một ngày của bản thân, cho dù đó là danh sách những việc cần làm hay những dự án trong tương lai. 

Hãy viết ra những mục tiêu của bạn muốn đạt được, chia nhỏ và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho chúng. Chọn ra ba việc mình cần làm trong ngày và việc quan trọng nhất mình cần hoàn thành. Đây là cách hiệu quả nhất tôi đã làm để quản lý thời gian và nâng cao hiệu suất làm việc.

9. Viết về những gì mình đọc

Viết nhật ký ghi chép lại hoạt động đọc sách của bản thân cũng là một ý tưởng bạn nên thử. Chúng ta có thể đọc nhiều sách nhưng lại hay quên những gì đã đọc chỉ sau một thời gian ngắn. Ghi chép lại, chắc chắn sẽ nhớ lâu hơn. Khi cần thiết bạn có thể giở lại và nhớ về những điều mình đã học được thông qua cuốn sách. 

Tôi nghĩ rằng đây là một điều cực kỳ hữu ích không chỉ giúp bạn viết tốt hơn mà còn giúp bạn đọc hiệu quả hơn. Nếu như bạn có blog, bạn có thể tạo một trang Reading List giống như The Introvert Writer đang làm.

10. Viết một dòng mỗi ngày

Một dòng mỗi ngày cũng đủ để bạn nhớ về ngày đó. Hơn nữa, thói quen tí hon này còn có thể giúp bạn trở thành một người viết hàng ngày. Một dòng mỗi ngày cũng khiến thói quen trở nên dễ dàng hơn và tạo ra động lực cho bạn tiếp tục. Nếu gặp khó khăn trong việc hình thành thói quen, hãy lựa chọn phương pháp này nhé.

11. Viết về lòng biết ơn

HIện tại mỗi ngày tôi đều duy trì việc viết một điều biết ơn trước khi đi ngủ. Việc này giúp tôi thêm trân trọng những gì mình đang có ở hiện tại và sống tỉnh thức hơn. Tôi nghĩ rằng đây chính là một trong những cách viết nhật ký đem lại sức mạnh to lớn nhất có thể thay đổi cuộc đời bạn. 

Chúng ta thường mải mê tập trung vào cuộc đời của người khác, mải mê so sánh ghen tị với những gì người khác có mà quên mất những gì mình đang sở hữu. Thực hành lòng biết ơn giúp bạn chậm lại một nhịp để cảm nhận những điều tươi đẹp xung quanh và yêu thương bản thân nhiều hơn. 

Bạn có thể biết ơn một cơ hội mà bạn có được ngày hôm nay. Biết ơn một điều gì đó đơn giản nhưng ý nghĩa bạn vừa phát hiện được. Thậm chí, biết ơn cả những thất bại bạn đã đi qua vì chúng cho bạn những bài học tuyệt vời để trưởng thành. 

12. Viết về điều tồi tệ nhất có thể xảy đến

Tôi là người hay lo lắng cho tương lai kể cả khi những chuyện đó chưa xảy ra. Viết về những điều này chính là một cách để giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể tưởng tượng rằng nếu thực sự những chuyện như vậy xảy ra thì mình sẽ giải quyết như thế nào. Đặt mình vào những hoàn cảnh khó khăn và tìm cách giải quyết sẽ giúp bạn cải thiện khả năng giải quyết vấn đề của bản thân và luôn sẵn sàng với mọi tình huống xấu nhất. Từ đó, bạn tự tin và vững vàng hơn.

Tôi viết nhật ký như thế nào?

Là một người thích viết nhật ký nhưng tôi cũng đã thất bại rất nhiều lần trong việc duy trì nhật ký như một thói quen. Có khoảng thời gian, tôi bỏ đến mấy năm không bao giờ động đến nhật ký. Nhưng rồi cuối cùng, nhật ký vần là một phần cuộc sống của tôi.

Với tôi, viết tự do là phương pháp mà tôi cảm thấy thoải mái nhất. Mỗi ngày, trước khi bắt đầu làm việc, tôi đều lấy sổ tay ghi ra mọi suy nghĩ của mình. Phần lớn thường là việc phân chia nhiệm vụ trong ngày. Thi thoảng là những suy nghĩ, cảm xúc bất chợt hiện lên. Một vài hôm là một số ghi chú về chi tiêu trong tháng. 

Nhược điểm của cách viết này là rất lộn xộn và khó để tìm đọc lại. Bởi vậy tôi đã cố gắng cải thiện một chút. Tôi xem lại để biết mình hay ghi chép về chủ đề gì, sau đó chia cuốn sổ ra làm ngần ấy phần, phân trang cho từng hạng mục. 

Mỗi khi viết tôi đều đề ngày, tháng, có thể là giờ nữa, như vậy cũng dễ dàng tìm kiếm và xác định hơn. Đối với tôi, cuốn sổ “nhật ký tổng hợp” này rất có ích, nhất là khi tôi cần tư liệu cho bài viết. Nhiều khi tôi tìm thấy chúng ở ngay trong cuốn số của mình. Đây là những ý tưởng giúp cho bài viết của tôi thêm sinh động và có phần chân thực hơn. 

Nếu bạn cũng yêu thích viết lách như tôi, tôi nghĩ bạn có thể tham khảo những gợi ý này của tôi để áp dụng trong bài viết của mình. Tôi tin rằng, nếu bạn duy trì được thói quen viết nhật ký hàng ngày, chắc chắn bạn sẽ nhận ra nhiều lợi ích tốt đẹp mà nhật ký mang lại. Chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời nhất với cuốn nhật ký!

Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:

1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.

2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.

3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).

4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top