solopreneur

Trở Thành Solopreneur Để Làm Việc Yêu Thích, Sống Đời Tự Do

Sahil Lavingia, founder của Gumroad* và cũng là tác giả cuốn sách “The Minimalist Entrepreneur” từng chia sẻ trên Twitter: “Tôi tin rằng hầu như ai cũng có thể kiếm sống bằng cách làm những gì họ yêu thích. Tôi phát hiện rất nhiều nhà sáng tạo mới đang làm điều đó hàng ngày.”

Do ảnh hưởng từ đại dịch dẫn đến xu hướng làm việc tại nhà gia tăng cộng thêm sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, ngày càng có nhiều người rời bỏ công việc toàn thời gian để theo đuổi công việc mơ ước và sống đời tự do. 

Nhiều người trong số đó tự phát triển sự nghiệp độc lập, thành công đảm bảo nhu cầu vật chất cho cả gia đình, mà vẫn có thời gian cho bản thân và những người họ trân quý. 

Từ điển có thêm một từ mới, dành riêng cho những người như vậy: SOLOPRENEUR

Nếu trở thành solopreneur là vừa có tiền, vừa được tự do làm việc yêu thích mà chẳng phải nghe theo sự sắp đặt của bất kỳ ai thì làm thế nào để có thể trở thành solopreneur?

Bạn sẽ tìm được câu trả lời sau khi đọc bài viết này.

*Một nền tảng thương mại điện tử đơn giản nhưng mạnh mẽ giúp các nhà sáng tạo (creator) bán các sản phẩm số như ebook, khóa học, membership (quyền lợi thành viên),…

Solopreneur là gì?

Dù chưa từng nghe tới từ solopreneur thì bạn vẫn có thể lờ mờ đoán được ý nghĩa của nó khi liên tưởng đến hai từ “solo” và “entrepreneur”. Kết nối hai khái niệm này lại, chúng ta có “doanh nhân độc lập”. 

Tuy nhiên, để tìm hiểu kỹ hơn, hãy cùng tham khảo định nghĩa về solopreneur từ nhiều nguồn khác nhau. 

Từ điển Oxford liệt kê solopreneur là một danh từ chỉ người thành lập và điều hành doanh nghiệp một mình. 

Trong khi đó, Merriam-Webster’s định nghĩa sâu hơn một chút, đó là người tổ chức, quản lý và chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động của doanh nghiệp mà không cần sự trợ giúp của đối tác. 

Dạo qua một vòng cõi mạng, bạn sẽ bắt gặp đâu đó định nghĩa như: “doanh nhân chủ yếu làm việc một mình và giữ quyền kiểm soát doanh nghiệp của họ ngay cả sau khi nó phát triển”, hoặc “người chuyên nghiệp bắt đầu và phát triển một doanh nghiệp di động, có thể mở rộng và tạo ra thu nhập thụ động mà không có nhân viên”.

Tôi cho rằng, solopreneur có thể là bất kỳ ai điều hành doanh nghiệp khởi nguồn từ đam mê của riêng họ (thậm chí có thể chỉ là một công việc tay trái), và tạo ra lợi nhuận để tự do quyết định cuộc sống của mình. 

Solopreneur làm việc độc lập và không thuê nhân viên (nhưng vẫn có thể thuê những người làm việc tự do, làm việc bán thời gian để giúp sức cho họ).

Họ chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động của doanh nghiệp và một mình quản lý mọi việc từ sáng tạo sản phẩm, triển khai dịch vụ, chăm sóc khách hàng cho đến những vấn đề kế toán, hành chính của doanh nghiệp. 

Bạn có thể bắt gặp solopreneurs là:

  • Freelancer: Người làm việc tự do cung cấp các dịch vụ chuyên môn của họ như viết lách, phát triển web, thiết kế đồ họa, diễn giả, huấn luyện,… 
  • Chủ doanh nghiệp: Người sở hữu và điều hành doanh nghiệp một mình. Ví dụ: họ sở hữu một công ty chuyên thiết kế web trong đó bản thân vừa là người điều hành, vừa chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của công ty.
  • Nhà tư vấn/huấn luyện: Người cung cấp các chương trình tư vấn, huấn luyện chuyên biệt về các lĩnh vực chuyên môn của họ. Ví dụ: nhà tư vấn, trị liệu tâm lý, huấn luyện viên yoga,…
  • Blogger: Người viết và kiếm tiền từ blog.
  • Influencer: Người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Youtube,…có thể đưa ra những đề nghị, gợi ý (về sản phẩm, dịch vụ của người khác) hoặc phát triển sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu cá nhân cho những ai theo dõi họ.

Trở thành solopreneur hấp dẫn thế nào?

Là chủ doanh nghiệp nhưng lại phải làm việc một mình có khiến bạn suy nghĩ?

Vì dù có làm chủ nhưng lại không khác làm thuê là bao. Không những thế, bạn còn phải gánh vác tất cả mọi việc, chịu trách nhiệm cho tất cả mọi chuyện. Quan trọng là, không phải tháng nào tiền cũng tự đổ vào tài khoản đúng ngày giờ đã định? 

Thế nhưng, theo báo cáo từ MBO Partners, 82% người làm việc độc lập tại Mỹ cho biết họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi làm việc một mình, khi so sánh với việc làm nhân viên toàn thời gian tại những công ty truyền thống. 

Những người này khởi nghiệp độc lập với mục tiêu tìm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, có thêm thời gian cho bản thân, theo đuổi mục đích của riêng mình đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống. 

56% trong số người được hỏi mong muốn sẽ tiếp tục con đường solopreneur đã lựa chọn và không có nhu cầu mở rộng doanh nghiệp trong tương lai.

Vậy sự hấp dẫn của solopreneur nằm ở những yếu tố nào?

  • Được làm những việc mình yêu thích. Hầu hết mọi người dũng cảm rời khỏi vùng an toàn là để theo đuổi những gì họ yêu thích. Chỉ có làm việc yêu thích, bạn mới có động lực mạnh mẽ để từ bỏ sự thoải mái trong hiện tại và chấp nhận những thử thách cam go đang chờ đón phía trước. Có như vậy, bạn mới có thể gắn bó và kiên trì đến cùng với mục tiêu. 
  • Được tự quyết định mọi thứ về công việc. Bạn có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào bạn muốn (có thể là ở nhà, ở quán cà phê, thậm chí là ở một khu nghỉ dưỡng nào đó, chỉ cần có kết nối Internet). Bạn có thể làm việc với thời gian linh hoạt (vừa có thể đưa đón con, vừa làm việc với đối tác, vừa đào tạo học viên, vừa dành thời gian bên bạn đời).
    Bạn có thể lựa chọn cách thức làm việc yêu thích, tự quyết định tiến độ công việc, sắp xếp và phân loại công việc quan trọng theo ý muốn mà không cần có sự đồng thuận của bất kỳ ai.
  • Được tự do theo đuổi mục đích và ước mơ của mình mà không phải của ai khác (của công ty hay của sếp).
  • Được kết nối và xây dựng mối quan hệ ý nghĩa với những người cùng chung chí hướng với bạn.
  • Được tạo ra giá trị cho mọi người (sản phẩm, dịch vụ) và truyền tải thông điệp ý nghĩa mang dấu ấn của riêng bạn (thương hiệu cá nhân).

Dẫu hấp dẫn như vậy, cũng không thể phủ nhận rằng trở thành solopreneur đồng nghĩa với việc đối mặt với một số khó khăn nhất định do tính chất làm việc độc lập, không có người giúp đỡ và khối lượng công việc khổng lồ cần giải quyết. 

Để khắc phục những điều này, solopreneur cần trang bị kiến thức và kỹ năng nhất định để sẵn sàng đương đầu và kiên trì với những gì đã lựa chọn.

Cần có kỹ năng gì để trở thành một solopreneur thành công?

Quản lý thời gian

Vì điều hành một doanh nghiệp nhưng lại không có sự trợ giúp từ bên ngoài nên bạn rất nhiều việc cần phải hoàn thành trong một ngày.

Nếu không biết cách quản lý thời gian hợp lý, đừng nói là thời gian cho gia đình, bản thân và con cái, thậm chí thời gian đứng lên để đi vệ sinh cũng không mấy dư dả.

Đơn cử như trường hợp của The Introvert Writer. Một mình tôi vừa phải viết nội dung, phát triển sản phẩm, tìm cách quảng bá, tiến hành dịch vụ, chăm sóc khách hàng và hàng tỷ công việc không tên khác. 

Thay vì làm việc dàn trải, mỗi chỗ một tí, một nơi một việc, tôi dành 15 phút mỗi buổi tối trước khi đi ngủ để suy nghĩ và viết ra 3 việc quan trọng nhất cần làm vào ngày hôm sau. Khi bắt đầu ngày mới, tôi chọn ra 1 việc quan trọng nhất trong số 3 việc kể trên và tập trung tuyệt đối để hoàn thành nhiệm vụ đó.

Kỳ lạ là, thay vì làm nhiều việc cùng một lúc (multitasking), tập trung vào một việc quan trọng nhất tại một thời điểm (monotasking) lại giúp tôi hoàn thành được nhiều việc hơn và hiệu quả hơn. 

Không chỉ vậy, để quản lý thời gian và làm việc hiệu quả, bạn sẽ cần phải học nhiều điều khác như học cách đặt mục tiêu, lên kế hoạch ngày, tuần, tháng, đồng thời chẻ nhỏ nhiệm vụ để hoàn thành mọi việc dễ dàng hơn, việc hình thành thói quen, loại bỏ trì hoãn,… 

Sắp xếp công việc 

Không văn phòng, không hệ thống phân loại và lưu trữ tài liệu, không người giúp đỡ về lịch trình và kế hoạch công việc, vậy làm thế nào để vận hành doanh nghiệp mà mọi thứ không bị rối tung lên? 

Dù đã thử sử dụng rất nhiều công cụ khác nhau để sắp xếp công việc và lưu trữ dữ liệu, tôi vẫn thấy Google Drive mang lại sự thoải mái và tiện dụng, nhất là đối với solopreneur. 

Tôi làm mọi việc, lưu trữ ý tưởng, bài viết, lên kế hoạch gặp mặt, cộng tác với người khác rất dễ dàng nhờ có hệ sinh thái của Google (Google Drive, Google Calendar, Google Keep,…) Khi doanh nghiệp lớn mạnh và cần nhiều dung lượng lưu trữ hơn, bạn có thể nâng cấp lên gói trả phí một cách dễ dàng.

Ngoài ra, cũng còn rất nhiều những công cụ khác bạn có thể sử dụng như:

  • Slack/Asana – làm việc nhóm hiệu quả.
  • MindMeister/Mindmup – công cụ lên ý tưởng.
  • RescueTime – công cụ theo dõi và quản lý việc sử dụng thời gian của bạn.
  • Trello – giúp tạo danh sách việc cần làm và theo dõi quá trình làm việc.
  • Notion – tạo không gian làm việc và lưu trữ dữ liệu hiệu quả
  • Zapier – tự động hóa quy trình làm việc

Giao phó công việc

Bạn không phải là siêu nhân mà việc gì cũng giỏi (kể cả là siêu nhân, chưa chắc việc gì cũng giỏi hết). Bạn chỉ có một (hoặc một số) kỹ năng đặc biệt nổi trội, các kỹ năng khác sẽ luôn có người có thể làm tốt hơn bạn gấp nhiều lần. 

Vậy tại sao bạn không học cách giao phó những việc mình làm không tốt (hoặc những việc đơn giản, không mấy quan trọng nhưng lại chiếm nhiều thời gian) cho người khác để tập trung làm tốt việc mình thực sự giỏi?

Suy nghĩ này có thể tạo ra thay đổi lớn cho cuộc đời bạn, giúp cải thiện năng suất làm việc lên 10x, 20x và cho phép bạn dành thời gian cho những hoạt động yêu thích khác. Đây là vũ khí bí mật mà solopreneur nào cũng nên sở hữu.

Bạn có thể tuyển cộng tác viên, thuê freelancer giúp mình hoàn thành một (hoặc một vài) công đoạn trong chuỗi công việc hàng ngày để giải phóng bản thân và tận hưởng cuộc sống. Tất nhiên, để làm tốt việc này, bạn cũng cần bỏ ra một chút thời gian để học cách giao việc và quản lý đội nhóm sao cho hiệu quả.  

Xây dựng mối quan hệ với các solopreneur khác

Trở thành solopreneur và làm việc đơn độc trong một thời gian dài đôi lúc có thể khiến bạn mệt mỏi. Đặc biệt là khi khó khăn, không có người bên cạnh động viên và tiếp thêm sức mạnh, bạn dễ nản lòng và bỏ cuộc

Gặp gỡ và kết nối với những người có cùng chung chí hướng sẽ giúp bạn có thêm niềm vui, động lực và cả những bài học quý giá để phát triển lâu dài, bền vững. Bạn có thể tìm kiếm những người bạn cùng chung giá trị từ những hội nhóm trên mạng xã hội hay các diễn đàn liên quan đến lĩnh vực bạn theo đuổi.

Tôi thường tìm cách kết nối với các blogger mình yêu thích để phỏng vấn họ và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ. Đây là một cách giúp tôi học hỏi từ những kinh nghiệm của họ. Đồng thời, thông qua cuộc trò chuyện với họ, tôi cũng có thêm động lực để bước tiếp.

Kỷ luật bản thân

Làm việc tự do cần đi kèm với tinh thần kỷ luật và trách nhiệm. Nếu không, bạn cũng sẽ tự do nuông chiều cảm xúc nhất thời của bản thân, để rồi trì hoãn, thoái thác, và đi chệch khỏi con đường đã lựa chọn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết “Phát Triển Kỷ Luật Bản Thân Đơn Giản Với Niềm Vui, Ý Nghĩa Và Thành Công” để áp dụng vào trường hợp của mình nhé!

Không ngừng học hỏi

Dù bạn là ai, solopreneur hay entrepreneur, không ngừng học hỏi là điều cực kỳ quan trọng giúp bạn đứng vững giữa những đổi thay chóng mặt mỗi ngày của thế giới. 

Đặc biệt với những người làm việc độc lập, cam kết học trọn đời sẽ giúp bạn nhanh chóng thích nghi và không bị bỏ lại phía sau. Bạn có thể học từ sách vở, học từ những người đi trước, học từ chính những trải nghiệm cuộc sống đem lại cho bạn. 

Một số cuốn sách dành cho bạn tham khảo:

  • 4 Hour Work Week – học cách làm việc hiệu quả chỉ với 4 giờ một tuần
  • Atomic Habits – học cách hình thành và xây dựng thói quen hữu ích để rèn luyện kỷ luật bản thân và làm việc hiệu quả hơn.
  • 7 Habits of Highly Effective People -học cách xây dựng những thói quen hướng đến thành công
  • The Minimalist Entrepreneur – học cách bắt đầu xây dựng sự nghiệp từ con số 0, tạo ra sản phẩm giải quyết được nhu cầu của người dùng và phát triển một cách bền vững.

Bạn có sẵn sàng trở thành solopreneur?

Nếu những gì tôi trình bày ở trên có ý nghĩa to lớn với bạn và khơi gợi được mong muốn bấy lâu nay của bạn, có lẽ bạn đã rất muốn bước một chân vào con đường trở thành solopreneur.

Chỉ cần thêm một chiếc laptop có kết nối Internet, bạn có thể bắt đầu hành trình ngay lập tức.

Càng tuyệt vời hơn nữa, nếu bạn có:

  • Tinh thần tự học
  • Sự chăm chỉ
  • Một ý tưởng về thị trường tiềm năng 
  • Một nền tảng để chia sẻ rộng rãi ý tưởng của mình
  • Một người dẫn đường tận tụy 

Không gì là không thể.

Không bao giờ là quá muộn.

Liệu bạn đã thực sự sẵn sàng?

Hướng dẫn có thể giúp ích cho bạn:

Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:

1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.

2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.

3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).

4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top